Họ và tên: Mai Hậu
Nghệ danh khi sang mỹ: Mai Thiên Vân
Nguyên quán: Việt Nam
Dòng nhạc: Nhạc trữ tình
Quê Mai Hậu ở huyện Bình Đại, Bến Tre. Nếu như tỉnh Bến Tre nói chung được xem là nơi sản sinh ra bài Hò cống chùa nổi tiếng thì huyện Bình Đại của xứ dừa này lại được biết đến như là miền đất “đẻ” ra bài dân ca Lý con cua: “Bắt con cua bỏ vô mà trong giỏ. Nó kêu chàng hỡi, nó kêu chàng ơi...”.
Năm học lớp 7, bé Mai Thị Hậu được cả nhà xúm lại đưa đi tham dự cuộc thi Tiếng hát dân ca tỉnh Bến Tre. Không ngần ngừ, cô chọn ngay bài “đặc sản” Bình Đại Lý con cua và bài dân ca Cây trúc xinh, vốn là hình ảnh quen thuộc (vì được trồng tràn lan trong vườn nhà) để thi thố. Cuộc thi không hạn chế thành phần, lứa tuổi nên lần ấy, việc Mai Thị Hậu - một cô bé 11 tuổi, vượt lên các “cô dì” để giành giải nhất đã trở thành một sự kiện. Giải thưởng đầu tiên trong đời này đã đưa cô học sinh nhỏ bé, nhút nhát trở thành giọng hát “sao” của tỉnh Bến Tre và là gương mặt “gà chiến” của nhà trường trong các cuộc thi văn nghệ. Cô đã lần lượt mang về cho trường và tỉnh nhà tất cả các giải thưởng cao nhất mà cô tham dự tại các cuộc thi mang tầm cỡ “quốc gia” như Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Liên hoan Búp sen hồng...
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô theo học chuyên ngành âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 tại TPHCM. Ở đây, giọng hát ngọt ngào của cô được phát huy và nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi nhà trường khi cô đoạt giải cao nhất trong cuộc thi Tiếng hát dân ca do quận 10 tổ chức và được Câu lạc bộ chuyên về dân ca Chim Quyên “kết nạp” làm thành viên. Từ quận 10, cô sang quận 1 thi và cũng đoạt luôn giải A Tiếng hát dân ca quận 1.
Được thể, cô ghi danh thi Tiếng hát Truyền hình HTV và đoạt giải tư ngay lần đầu tham dự năm 2002. Ở giải Tiếng hát Truyền hình năm ấy, Mai Thị Hậu đã chinh phục được đông đảo khán thính giả khi cô trình bày rất xuất sắc hai ca khúc mang âm hưởng dân ca Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ - Lê Giang) và Đau xót Lý chim quyên (Vũ Đức Sao Biển), nhưng có lẽ do ngoại hình không được “lộng lẫy” nên đành nhận giải tư. Khác với nhiều thí sinh đăng quang Tiếng hát Truyền hình, giải thưởng này đã đưa cô đến với các phòng thu trước khi dẫn cô lên sân khấu.
Đến nay, cô đã là một gương mặt quen thuộc của khá nhiều phòng thu như Saigon Audio, Hãng phim Trẻ, Phương Nam Phim,... và vô số các phòng thu “lẻ” khác. Chính băng đĩa đã mang tiếng hát của cô đi xa và từ đó, những chủ phòng trà, quán bar mới ngỡ ngàng nhận ra một giọng ca hay lâu nay bị bỏ quên và liền mời cô cộng tác.
Lịch làm việc của cô hiện nay dày đặc, ban đêm hát ở phòng trà, quán bar, quán cà phê; ban ngày cô chạy như đèn cù đến các phòng thu. Chất giọng nữ cao của Mai Hậu nghe nhẹ nhàng, trong sáng, thiết tha, thích hợp với những bài hát mang âm hưởng dân ca và chất trữ tình. Bài tủ của Mai Hậu là Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý). Đây là ca khúc mà mỗi khi được dịp trở về biểu diễn ở tỉnh nhà, bao giờ Mai Hậu cũng được khán giả yêu cầu. Còn khi nào thấy cô xuất hiện trên sóng truyền hình, bà con cả xóm ở Bình Đại í ới gọi nhau vào xem “bé Hậu” lên tivi với niềm tự hào nở trên những nụ cười. Tuy là một ca sĩ trẻ song Mai Hậu luôn xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài truyền thống nền nã và dịu dàng. Cô cho rằng mình đã chọn phong cách đúng với sở trường của giọng ca và hạnh phúc là đã được đông đảo khán giả chấp nhận. Tháng 8 tới đây, Mai Hậu sẽ phát hành hai CD: một album hát chung với ca sĩ Quang Minh và một album gồm 10 ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của cô.