Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944 tại Sài Gòn, ông lớn lên trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Và cũng chính nơi đây, hàng trăm bài nhạc viết cho giới lao động bình dân ra đời. Hiện nay, ông là chủ của một tiệm đóng giày, nhưng vẫn sáng tác và hoạt động âm nhạc, ông cũng là hội viên của Hội Âm nhạc Tp.HCM. Vinh Sử sáng tác và gắn bó với dòng nhạc quê hương, và nhạc của ông được đón nhận nhiều nhất là ở tầng lớp lao động nghèo khó, vì nhạc của ông gắn bó với họ, gắn bó với mảnh ruộng vườn rau. Ông sống trong xóm lao động nghèo từ bé, người lao động đối với ông rất gần gũi và dễ đồng cảm. Yêu thương họ, nhưng không có gì dành cho họ ngoài tấm lòng của mình, và Vinh Sử đã thể hiện điều đó qua những bài hát. Nhạc của Vinh Sử nói đến những cảnh nghèo, những điều không may mắn trong cuộc sống, những tình yêu đơn phương vì những chàng trai nghèo trót yêu thương một người con gái giàu sang... Đó là những điều rất hợp với tâm cảm, hoàn cảnh của họ, họ hát nhạc của ông là cách để thể hiện những tâm sự của chính mình. Từ nhỏ ông rất yêu cổ nhạc, những bài nhạc của Vinh Sử cũng là những xúc cảm có nguồn gốc từ những bản nhạc cổ.