Thái Hiền, Giọng hát không có tuổi °Người ghi chép: Là con của một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy, điều gì thuận lợi cho cô, điều gì khó khăn cho cô? ª Thái Hiền: Thuận lợi là vì ai cũng biết bố, nên có thể người ta dễ nhận biết tôi. Khó khăn – nếu hiểu theo nghĩa bình thường – thì tôi cũng phải bắt đầu đời sống ca hát như mọi ca sĩ. Không phải vì là con ông nhạc sĩ Phạm Duy mà tự nhiên… tôi có thể hát hay. °NGC: Nếu tôi không lầm, cô hát “Bé ca” từ khi còn bé lắm? ªTH: Tôi bắt đầu lên sân khấu với “Bé ca” do bố sáng tác từ năm 13 tuổi. Sau đó có hát với các anh trong ban Dreamers, những ca khúc tiếng Anh, rồi “Nữ ca”… Thời gian này tôi còn nhỏ, nên vẫn ham chơi, vẫn đi hát, nhưng không ham tiền hay danh vọng gì cả. °NGC: Sau biến cố 30/4, 30 năm trước, cô cùng bố mẹ và các em đi được ra khỏi nước trước, các anh kẹt ở lại. Thời gian này, cô phải đóng vai “nữ Phù Đổng Thiên Vương”, lớn thật nhanh để đi hát với bố mẹ, đúng thế không? ª TH: YMCA tổ chức và bảo trợ cho các chuyến lưu diễn của bố mẹ và tôi trên khắp nước Mỹ, tại các trại tị nạn có người Việt Nam. Bố cầm dần, mẹ hát phụ chút chút. Tôi hát bao sân, từ dân ca đến bình ca, từ bé ca đến tình ca, hát nhiều lắm và rất cảm động. Trong thời gian này, người Việt mới di tản, họ khóc ròng khi nghe tôi hát. °NGC: Sau đó? ª TH: Sau đó gia đình đoàn tụ. Các anh qua được. Ban nhạc Dreamers hoạt động trở lại. Thái Hiền, Thái Thảo hát với các anh. Ra đĩa. Hát dạ vũ. Đi show. Đến khoảng năm 1990, các anh bắt đầu mỗi người làm mỗi việc khác nhau. Anh Duy Cường thâu băng, hòa âm. Anh Duy Quang cũng vậy. °NGC: Thời gian sau này, Thái Hiền hát nhiều, theo chiều hướng gọi là thính phòng? ª TH: Nếu tôi nhớ không lầm, đầu năm 1990, khi ban hợp xướng Ngàn Khơi có các chương trình hòa tấu/hợp xướng là tôi được nhiều nơi mời hát, theo chương trình nhạc chủ đề, thính phòng. °NGC: Khi thân mẫu cô (nữ ca sĩ Thái Hằng) mất, bố cô và cả gia đình hát bài Mẹ Trùng Dương/Bà Mẹ Quê để tiễn biệt bà đến nơi an nghỉ. Người ta vẫn còn nhớ những cuộc phỏng vấn trên các đài phát thanh, trên các báo Việt ngữ vùng quận Cam, hay trên các đài BBC, VOA, RFI. Điểm đặc biệt nhất khi thấy hình thân mẫu cô đeo ba-lô, đội nón “du kích” trong vùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ai ai cũng nói: “Y hệt Thái Hiền”. Hay nói đúng hơn: “Thái Hiền giống mẹ quá”. Nếu mẹ cô được sống lại bây giờ, cô sẽ làm điều gì cho mẹ? ª TH: Mẹ sống lại? Nghĩa là mẹ không chết? Mẹ không chết. Mẹ sống mãi. Mẹ sống mãi với tôi, trong lòng tôi. Mẹ sống mãi bên tôi. Chắc mai này, về già, tôi cũng giống mẹ, đời sống âm thầm. Mẹ sống lại, tôi sẽ làm nhiều điều cho mẹ lắm. °NGC: Cô hát nhiều loại nhạc của bố. Từ Bé ca, Bình ca, Tâm ca, Đạo ca, Thiền ca, Rong ca… Rồi sau này Trường ca Hàn Mặc Tử, Minh họa Kiều… Cô có tiêu hóa nổi những tư tưởng mà nhạc sĩ Phạm Duy muốn chuyển tải không? ª TH: Tôi nghĩ khi hát là chúng ta đóng vai một kịch sĩ. Diễn tả những tình tiết ở trong bài hát. Tôi cảm thấy mình hát những sáng tác của bố rất được, không khó khăn lắm. Tôi phải nhập vai khi hát thôi. Ra ngoài, tôi sống bình thường như mọi người. Nếu chúng ta có tâm hồn, chúng ta dễ dàng trình bày được những bài hát chứa đựng những tình tiết. °NGC: Nếu tôi nói “giọng Thái hiền là một giọng lạnh, nhưng cái lạnh như thỏi than dễ dàng hồng lên ánh lửa”… ª TH: Anh thấy giọng Thái Hiền lạnh à? Không lạnh đâu! °NGC: Thái Hiền tập giọng và dưỡng giọng như thế nào? ª TH: Đi ngủ sớm. Không hút thuốc. Không uống rượu. Tập thể dục mỗi ngày một tiếng. Tập giọng thì đã hát nghêu ngao suốt ngày rồi. °NGC: Nhạc cụ? ª TH: Trước đây tôi tập đánh Tây ban cầm, mô đẹc. Tôi tự học, bây giờ… sắp quên hết rồi. Thái Hiền cám ơn anh, cám ơn mọi người đã nghe Thái Hiền hát nhiều năm lắm rồi. Thái Hiền cảm thấy rất may mắn được quí vị khán thính giả yêu thương ủng hộ. ª Ngoài kia nắng đã xuống dần của một ngày sắp hết. Nghe đâu đây Thái Hiền đang cất hát nhạc phẩm “Kỷ niệm” của Phạm Duy. Giọng hát đẹp hiền như tên gọi. “Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau…”