Năm 1998, nơi đĩa nhạc do ca sĩ Thùy Dương thực hiện, có một giọng ca nam chan hoà trong đó qua nhạc phẩm "Em Về Nào Có Hay" của Hoàng Trọng Thụy. Giọng ca này lả lướt, nồng ấm than hồng, đã khiến cho tác giả nhạc phẩm bỗng buông lời khen một cách đắc ý: "Nguyên Khang hát tới quá, anh đã dẫn được người nghe đi trên từng nốt nhạc của tôi ...". Là một người ít nói, phê phán đứng đắn, vậy mà Hoàng Trọng Thụy đã vỗ về người hát nhạc phẩm của anh bằng một bày tỏ khá mạnh, điều này có lẽ do phản xạ tâm lý hài lòng của người viết nhạc
Nguyên Khang, 28 tuổi, sinh trưởng và lớn lên ở Saigon, sang Mỹ năm 1994, Khởi hát năm 1998, cộng tác với nhiều Trung tâm Băng Nhạc, xuất hiện trên một số Video có tầm cỡ, đi Show nhiều nơi trong và ngoài nước Mỹ, ngoại trừ Âu Châu.
Ðến Mỹ năm 1994 cùng với gia đình, tạm cư tại bang Connecticut, người thanh niên này, đâu có nghĩ gì đến ca hát, thỉnh thoảng anh chỉ ê a vài nhạc phẩm quen thuộc với bạn bè cùng lớp. Ðể trốn cái lạnh khắc nghiệt của xứ cờ hoa, cậu bé Nguyên Khang "move" về Cali, tìm tình nồng ấm đồng hương, vừa tìm việc làm, vừa mỗi cuối tuần tới giải trí Karaoke ở các quán cà phê, và ở những nơi này, anh được khám phá ra là một người hát hay. Anh lên đường với hành trang và duyên cớ giản đơn đó ...
"Người ta nói em là ca sĩ, em cám ơn, người ta mời em hát, em cám ơn, thực ra điều này không có trong giấc mơ ấu thời của em ..." Nguyên Khang tâm sự như vậy.
Nguyên Khang, trường hợp anh khá đặc biệt, đã sớm gây xôn xao trong giới yêu nhạc qua một vài ca khúc loại "tình ca lãng mạn". Dĩ nhiên sự đặc biệt này phải được cấu trúc trên nhiều yếu tố như "lăng xê", "đồn đãi", "dị tính", "dị hình", nhưng không thể nào loại trừ yếu tố chân chính, cần thiết: đó là tài năng thực sự. Ðây mới là sức thu hút, sự quyến rũ đường dài. Mới đầu, nếu hời hợt thưởng ngoạn, người ta ngôn phê: Sao mà Nguyên Khang giống Tuấn Ngọc quá, sao mà truyền cảm quá, nhưng dần dà người ta mới nhận ra, nơi giọng ca Nguyên Khang có nhiều chất xanh hơn, đậm đà hơn, bướm lượn hơn, và tiếng hát Nguyên Khang là Nguyên Khang của riêng anh, điều này được minh chứng rất rõ nét nơi người nghe, khi mà trong tủ nhạc của họ đã có đĩa nhạc Tuấn Ngọc rồi lại có thêm đĩa nhạc Nguyên Khang. Ðiều này cũng xảy ra với Tuấn Vũ, Trường Vũ. Người ta nói hai ca sĩ này giống Chế Linh, Duy Khánh nhưng sự nồng nhiệt ái mộ lại là phần khác. Về mặt kỹ thuật, hơi hám thì có người này, giống người kia nhưng kỹ thuật chỉ là một yếu tố trong khu vườn nghệ thuật, cũng như phở và hủ tiếu cũng từ nguồn gốc bột gạo nhưng không phải vì vậy mà đó không có một vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Dẫn được người nghe theo mình. Khiêu gợi được tàn tro thành than hồng tình cảm tưởng đã nguội lạnh, thì đó là khả năng, phải là chân tài, hên xui chỉ là phần nhỏ trên đại dương nghệ thuật, giống nhau chỉ là mầu sắc của hoa trong một khu vườn, chứ không phải là hương vị.